Mách bạn công dụng tuyệt vời của cây chùm ngây với sức khỏe

Tìm hiểu về cây chùm ngây

Cây chùm ngây hay ba đậu dại là loài thực vật thân gỗ, cây chùm ngây thường được trồng rải rác ở các tỉnh phía Nam nước ta như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết và Kiêng Giang (Phú Quốc)….

Cây chùm ngây (tên khoa học: Moringa Oleifera), trong tiếng Anh, cây chùm ngây có nhiều tên gọi khác nhau như “cây cải ngựa” (Horseradish tree, do rễ non của cây có vị của cải ngựa, mù tạt), “cây dùi trống” (Drumstick tree, do thân/quả cây giống dùi trống), “cây dầu bel” (Bel-oil tree, do dầu ép từ hạt cây được bán với tên gọi bel-oil).

+ Đặc điểm sinh thái của cây chùm ngây

Cây chùm ngây là loại cây thân gỗ nhỏ. Khi cây phát triển được 1 tuổi, nếu không cắt ngọn, cây cao khoảng 5 – 6 m với đường kính 10 cm. Còn ở độ tuổi trưởng thành (3 – 4 tuổi) cây có chiều cao trung bình từ 5 – 10 m.

Vỏ cây có màu xám trắng dày và có các khe rãnh. Khi bị thương, vỏ sẽ tiết ra chất gôm và dưới tác động của môi trường chúng sẽ chuyển từ màu trắng sang màu nâu đỏ hoặc nâu đen. Thân cây không có gai. Lá cây thuộc dạng lá kép, mọc so le nhau, có chiều dài 30 – 60 cm và lá có màu xanh mốc. Đối với lá chét, chúng dài 12 – 20 mm, thường mọc đối nhau có khoảng 6 – 9 đôi. Hoa chùm ngây có màu trắng, mọc thành cụm trông giống hoa đậu và thường nở rộ vào tháng 4 đến tháng 6.

Quả cây chùm ngây có màu nâu, có thiết diện tam giác và mọc thõng xuống. Mỗi quả dài 30 – 50 cm và rộng 1,5 – 2,5 cm, chứa ít nhất 20 hạt. Thông thường, hạt có màu nâu tối hoặc sáng, có 3 cạnh, dạng màng và có cánh màu trắng với chiều dài 1,5 – 2,5 cm và có đường kính 1 – 1,4 cm.

+ Phân bố

Dựa vào cuốn sách Từ điển Cây thuốc Việt Nam do tác giả, TS.Võ Văn Chi soạn vào năm 1996 cho biết, cây chùm ngây phân bố chủ yếu ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây thường được trồng rải rác ở các tỉnh phía Nam nước ta như Đà Nẵng, Quảng Nam, Nha Trang, Phan Thiết và Kiêng Giang (Phú Quốc).

+ Bộ phận dùng, thu hái 

  • Bộ phận dùng: Quả, rễ, lá non, hoa và các nhánh non
  • Thu hái: Thu hoạch quả từ tháng 7 đến tháng 9. Lá có thể thu hái quanh năm. Hoa từ tháng 4 – 6.

+ Thành phần hóa học

Mỗi bộ phận của cây chùm ngây đều chứa các thành phần hóa học khác nhau. Chẳng hạn:

  • Vỏ cây chùm ngây: Bao gồm các thành phần hóa học như chất gôm (galactose, arabinose và acidýglucuronic), -sitosterol và benzylanin.
  • Rễ cây chùm ngây: Chứa hoạt chất glucosinolate như 4 (-L-rhamnosyloxy)-benzyl glucosinolate)
  • Lá chùm ngây: Chứa các hoạt chất chống oxy hóa như flavonoid và phenolic (kaempferol, gallic acid, kaempferol 3–O––rhamnoside, rutin, syringic acid và quercetin 3–O– –glucoside). Ngoài ra, lá cây còn chứa các thành phần như chất gôm và 2 alcaloid bao gồm moringinin và moringi.
  • Hoa chùm cây: Polysaccharid là thành phần hóa học chính được tìm thấy trong hoa cây chùm ngoài.
  • Hạt chùm ngây: Chứa các hoạt chất như glucosinolate và peptid
  • Toàn thân: Chứa thành phần hóa học chính là pterygospermin

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, 1kg cây chùm ngây có thể cung cấp đủ dinh dưỡng trong một ngày cho một gia đình 4 người (trong đó gồm bố mẹ và 2 con). Trong các bộ phận của cây thì lá chùm ngây được xem là có giá trị dinh dưỡng vượt trội nhất. Nếu so sánh thì trong cây chùm ngây có lượng vitamin C cao gấp 7 lần một trái cam, lượng vitamin A cao gấp 4 lần cà rốt và lượng canxi gấp 4 lần so với sữa.

Giá trị dinh dưỡng của cây chùm ngây

Những công dụng của cây chùm ngây

Dựa vào giá trị dinh dưỡng có trong cây chùm ngây, các nhà khoa học đã chỉ nghiên cứu và chỉ ra được nhiều lợi ích của loài cây này, cụ thể:

Ngăn ngừa ung thư

Lá chùm ngây có chứa nhiều kẽm, vitamin C, chất chống oxy hóa và nhiều hoạt chất khác có khả năng chống lại một số chất gây ung thư và các gốc tự do. Lá chùm ngây có chứa niazimicin, là một hợp chất có khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư.

Cải thiện quá trình trao đổi chất, tăng cường hệ miễn dịch

Các hoạt động tế bào miễn dịch có thể được cải thiện nhờ các các hoạt chất chống oxy hóa, kẽm và vitamin C có trong lá chùm ngây. Cũng nhờ đó, hệ miễn dịch thực hiện tốt hơn vai trò của mình như một lớp bảo vệ cơ thể khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hay các gốc tự do.

Giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch

Sử dụng chùm ngây đều đặn và đúng cách có thể giúp duy trì một trái tim khỏe mạnh. Hàm lượng cao các chất oxy hóa có trong lá chùm ngây đã được chứng minh rằng có thể giúp hạ cholesterol, từ đó giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

Bảo vệ lá gan

Trong lá chùm ngây chứa silymarin có tác dụng làm tăng chức năng men gan và bảo vệ gan khỏi những tổn thương do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu chất béo.

Lá chùm ngây có chứa silymarin giúp bảo vệ gan

Giảm lượng đường huyết

Chùm ngây được biết đến như một loại thảo dược rất tốt đối với những bệnh nhân bị đái tháo đường. Lý giải cho điều này có thể là do các hợp chất thực vật isothiocyanates trong lá chùm ngây giúp giảm lượng đường huyết cũng như lượng protein và đường trong nước tiểu.

Hạn chế cao huyết áp

Tình trạng cao huyết áp thường xảy ra khi động mạch bị dày lên. Tình trạng này có thể được ngăn ngừa và hạn chế thông qua các hợp chất có trong lá chùm ngây như niazimicin hay isothiocyanate.

Ngừa thiếu máu

Rau chùm ngây là một trong những loại thực phẩm được khuyên dùng dành cho các bệnh nhân bị thiếu máu do thiếu sắt. So với lượng sắt có trong thịt bò hay các loại thịt động vật khác thì lượng sắt có trong lá chùm ngây cao hơn nhiều. Cụ thể, trong 100g bột lá khô có chứa đến 28mg sắt.

Làm đẹp

Bên cạnh những công dụng chữa bệnh như kể trên, chùm ngây còn là trợ thủ đắc lực trong công cuộc làm đẹp của chị em phụ nữ. Dầu chiết xuất từ hạt chùm ngây có chứa hormone tên xitokinin, đây là một loại giúp bạn duy trì một làn da khỏe mạnh, săn chắc.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa cùng vitamin C có trong chùm ngây cũng giúp bảo vệ làn da và làm chậm quá trình lão hóa.

Sử dụng chùm ngây giúp nuôi dưỡng làn da và mái tóc khỏe đẹp

Sử dụng cây chùm ngây đúng cách

Chùm ngây có thể chế biến theo nhiều cách khác nhau:

Lá cây: có hương vị gần giống rau ngót nên có thể sử dụng như một loại rau trong bữa ăn thông thường. Lá chùm ngây cũng có thể ăn sống hoặc làm thành sinh tố rất dễ uống. Ngoài ra, bạn cũng có thể làm bột chùm ngây bằng cách phơi thật khô rồi nghiền nát, sau đó pha nước uống hoặc để nấu cháo, nấu bột.

Hoa chùm ngây: phơi khô và pha uống như trà, chè.

Quả chùm ngây: chế biến thành các món ăn như nấu canh, ninh xương, xào với thịt,…

Lưu ý khi sử dụng cây chùm ngây

Không sử dụng loại thảo dược này liên tục trong thời gian dài: Đây là dược liệu rất giàu vitamin C và canxi. Vì thế, nếu dùng liên tục trong thời gian dài sẽ không có lợi, gây thừa chất, nhất là đối với đối tượng trẻ nhỏ. Chỉ nên dùng tối đa 3 lần mỗi tuần, mỗi lần không quá 20-30g.

Không dùng chùm ngây vào buổi tối: Đối với người có tiền sử mất ngủ, tuyệt đối không nên dùng bởi sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ của bạn.

Không dùng cho phụ nữ mang thai: Trong chùm ngây có chứa alpha 1-sitosterol. Hoạt chất này khiến cho tử cung bị co giãn. Bởi vậy, phụ nữ có thai khi ăn rất dễ bị sảy thai.

Phụ nữ mang thai không dùng cây chùm ngây

Không nên nấu quá kỹ: Để bảo toàn tối đa hàm lượng dinh dưỡng có trong chùm ngây, bạn nên nấu rau ở mức vừa phải, không nên nấu có chín.