Cách gói bánh chưng truyền thống vuông, đẹp cho ngày Tết

Thấy bánh chưng là thấy Tết! Dù bạn có đi đâu, làm gì, chỉ cần trở về bên gia đình, cùng nhau quây quần gói chiếc bánh chưng hay ngồi canh nồi bánh sôi sùng sục trên bếp lửa đầy than hồng đã thấy không khí Tết ùa về. Mùi hương thơm lừng tỏa ra hòa quyện hương lá dong, gạo nếp cái hoa vàng cùng vị ngọt bùi của đậu xanh, vị ngậy béo của nhân thịt trong chiếc bánh chưng đã tạo nên hương vị Tết không thể lẫn vào đâu được.

1. Bánh chưng là gì?

Chẳng ít chẳng nhiều nhưng mỗi năm, cứ đến Tết, đặc biệt là các gia đình ở miền Bắc, nhà nào nhất định cũng phải có vài chiếc bánh chưng mới gọi là xuân về. Không biết từ khi nào hình ảnh gói bánh chưng đã trở thành khung cảnh không thể thiếu mỗi lần xuân về.

Thật vậy, bánh chưng là bánh mà ngày nào cũng phải có. Không nhiều như hàng chục cái thì cũng phải dăm bảy chiếc. Trước là để cúng tổ tiên, sau là để đi biếu và bày ra mâm cỗ những ngày xuân.

Hồi còn đi học, ai mà không biết đến sự tích bánh chưng – bánh dày của Lang Liêu và có suy nghĩ sẽ cùng gia đình quây quần cùng nhau gói bánh chưng.

Bánh chưng là gì?

Bánh chưng là loại bánh hình vuông tượng trưng cho mặt đất hình vuông, còn người bạn bánh dày là hình tròn tượng trưng cho mặt trời. Dân tộc Việt Nam chúng ta là đất nước thuộc theo văn hóa lúa nước nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thiên nhiên. Chính vì vậy từ lâu bánh chưng đã trở thành một món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ từ xưa. Tất cả để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mùa màng bội thu.

Bên cạnh đó việc gói bánh chưng ngày Tết cũng thể hiện được chữ hiếu của người con đối với cha mẹ, chính vì thế mà phong tục dùng bánh chưng làm quà để dâng lên cha mẹ mình cũng từ đó mà ra. Khi xưa gói bánh chưng để cho trời đất để cảm ơn đã cho mùa màng bội thu thì bánh chưng cho cha mẹ chính là để cảm ơn công ơn sinh thành của cha mẹ.

2. Nguyên liệu gói bánh chưng

Gói bánh chưng ngon, luộc bánh chưng ngày Tết cũng cần những bí quyết riêng. Nguyên liệu cũng là một trong những điều đầu tiên quyết định được bánh chưng sẽ ngon hay không.

2.1. Chọn lá dong xanh

Lá dong là nguyên liệu dùng để gói bánh chưng, bọc bên ngoài các thành phần. Lá dong dùng để gói bánh chưng nên chọn loại không to nhưng cũng không nhỏ. Lá dong cũng không nên quá non mà cũng không nên quá già. Lá nhìn phải bóng, xanh đậm và có cuống nhỏ. Khi chọn được lá dong ưng ý, rửa sạch sẽ và phơi nơi khô thoáng gió. Không phơi lá dong quá khô và cũng không quá ráo nước.

2.2. Chọn gạo nếp

Gạo nếp để gói bánh chưng ngon phải dùng loại nếp mùa hạt bóng mẩy và có kích cỡ đều nhau. Gạo ngâm khoảng từ 10 – 12 giờ bằng nước lạnh sau đó lại vo qua và để ráo nước. Sau đó cho thêm muối trắng vừa phải để cho gạo thêm mùi đậm đà.

Có thể nhiều bạn không biết nhưng đặc trưng của bánh chưng chính là vị mặn mà của gạo nếp, hương thơm của đỗ hòa cùng vị thơm béo ngậy của thịt,… Vì vậy lượng muối cho vào cần vừa đủ với gạo nhưng cũng đủ đầy với đỗ, thịt.

Nếu bạn muốn cho gạo nếp thơm hơn, bạn có thể dùng lá nếp xay nhỏ và lấy nước cốt để ngâm cho gạo có màu đẹp và thơm hơn.

2.3. Chọn đỗ xanh

Đỗ xanh chính là phần nhân nằm gần ngay trung tâm của bánh chưng. Có thể dễ dàng tìm mua loại đỗ đã tách vỏ hoặc cũng chưa tách vỏ. Nếu mua loại đã tách vỏ bạn chỉ cần ngâm, còn với loại chưa tách vỏ bạn cần ngâm cho đỗ tróc vỏ rồi rây cho sạch vỏ đỗ.

Dù việc tách lấy vỏ sẽ mất không ít thời gian nhưng việc đỗ còn nguyên vỏ sẽ có độ thơm và ngon hơn.

2.4. Lạt buộc

Đây là dây vàng dùng để gói bánh chưng. Chúng ta nên chọn những đốt giang dài 70 – 90 cm, cạo vỏ ngoài sau đó chẻ thành các miếng đều nhau. Nên ngâm ống giang trước khi chẻ để có độ mềm, khi chẻ thành lạt thì phơi khô để khi gói bánh sẽ chắc tay và dễ buộc hơn.

Lạt giang sẽ giúp cho bánh chưng được buộc mềm dẻo mà chắc hơn.

2.5. Hành khô và thịt

Đây chính là một trong những nguyên liệu cuối cùng của bánh chưng. Nhân bánh sẽ chọn thịt lợn có cả nạc và mỡ. Mỡ thịt sẽ khiến cho bánh thật béo ngậy, còn thịt nạc sẽ mang đến niềm vui cho năm mới. Gia vị nêm vừa đủ, rắc thêm tí hạt tiêu để hương thơm nồng nàn kèm vị cay nhẹ.

3. Các bước gói bánh chưng vuông đẹp

Sơ chế nhân và lá dong gói bánh chưng

  • Ngâm đỗ xanh trong nước khoảng 2 tiếng cho nở, sau đó đãi sạch và nhặt bỏ những hạt xấu. Cho thêm một thìa muối, trộn đều rồi mang đồ chín. Lúc đỗ còn nóng dùng muỗng đánh cho đỗ tơi nhuyễn rồi nắm thành từng nắm có kích vừa phải. Lưu ý: Bạn cũng có thể để nguyên đỗ sống đã ngâm cho nở, vớt ráo nước và xóc muối để gói.
  • Thịt ba chỉ rửa sach, thái thành từng miếng to bản, dày khoảng 2cm, ướp gia vị vừa đủ và một chút hạt tiêu để khi chín, bánh sẽ có vị thơm và cay nhẹ.
  • Ngâm gạo nếp trước khoảng 2 tiếng trước khi gói. Sau đó vớt ra để ráo nước rồi xóc muối trắng, cần chú ý cho lượng muối vừa đủ tránh bánh bị quá nhạt hoặc quá mặn.
  • Nếu muốn bánh được xanh và thơm hơn, bạn có thể dùng lá nếp xay nhỏ, lọc lấy nước cốt mà xanh để ngâm gạo nếp.
  • Lá dong rửa thật sạch 2 mặt rồi đem phơi chỗ mát, thoáng gió cho ráo nước. Sau đó, dùng dao hoặc kéo tách phần sống lá riêng ra. Một mẹo nhỏ giúp bạn cắt sát vào lá nhưng không làm rách lá là hãy cắt từ giữa lá trở ngược lại phần cuống.

3.1. Cách 1: Hướng dẫn cách gói bánh chưng không cần khuôn kiểu chữ thập

Bước 1: Xếp 2 lá vuông góc với nhau có mặt phải úp xuống dưới, tiếp tục đặt 2 lá khác cũng vuông góc nhau lên trên nhưng mặt phải lại ngửa lên.

Bước 2: Cho một bát con gạo vào giữa phần lá mới xếp.

Bước 3: Đặt phần đỗ xanh đã nắm từ trước vào (hoặc cho một muôi to đỗ xanh sống) vào, sau đó đặt 1-2 miếng thịt ba chỉ đã được tẩm ướp lên. Tiếp tục cho 1 lớp đỗ xanh và cuối cùng là một bát gạo nếp phủ lên trên bao kín phần đỗ và thịt.

Bước 4: Lần lượt gấp các lá dong bên phải và trái trước. Lúc gấp phải chắc tay thì bánh chưng mới đẹp được. Giấu các mép thừa của lá vào bên trong, nếu thừa nhiều có thể dùng kéo cắt đi.

Bước 5: Dùng 2 ngón của mỗi tay bóp lá dong của phần trên vào trong, rồi gập lại trong khi các ngón cái vẫn giữ cố định phần lá đã gấp lúc trước. Làm tương tự với đầu còn lại.

Bước 6: Sau khi chiếc bánh đã được hình thành, dùng 4 chiếc lạt để buộc bánh, phần lạt thừa cài gọn gàng vào các lớp lạt. Bạn cũng có thể đặt 4 chiếc lạt ở dưới lá dong ngay từ bước đầu tiên để tránh cho bánh bị xô lệch khi buộc.

Sau khi hoàn thành, bạn dùng hai tay ấn nhẹ xuống để bánh được chặt hơn.

3.2. Cách 2: Gói bánh chưng bằng khuôn nhanh, đẹp

Bước 1: Xếp 4 lá dong giống như xếp để gói bằng tay, 2 lá dưới úp mặt phải xuống, 2 lá trên ngửa mặt phải lên. Úp ngược khuôn trong lên chính giữa lá.

Bước 2: Dùng lá dong gói chiếc khuôn lại như gói bánh chưng bằng tay ở trên. Bạn có thể xem chi tiết các bước thực hiện ở hình minh họa.

Bước 3: Khi lá dong đã được gấp thành một hình vuông vức, dùng khuôn ngoài đặt bao quanh khuôn trong rồi mở lá và nhấc khuôn trong ra.

Bước 4: Cho nguyên liệu gói lần lượt vào phần khuôn lá đã được định hình. Đầu tiên là 1 bát con gạo nếp được dàn đều là khắp khuôn, rồi đến đỗ xanh, thịt đã ướp. Tiếp tục một lượt đỗ, một lượt gạo rồi gói lá lại thật gọn gàng, kín đều bánh theo các nếp gấp đã có.

Bước 5: Sau khi gói xong, dùng một tay giữ phần lá để cố định đồng thời nhẹ nhàng khuôn bánh ra. Sau đó dùng 4 chiếc lạt buộc chặt bánh. Bạn nhớ cài phần lạt thừa vào các lớp lạt để chiếc bánh được gọn gàng.

3.3. Cách 3: Hướng dẫn gói bánh chưng không cần khuôn kiểu xếp góc vuông

Bước 1: Gấp góc vuông cho từng lá dong

  • Chọn mặt lá đậm nhất để làm mặt ngoài của bánh.
  • Gập đôi lá lại theo hướng vuông góc gân lá để tạo nếp gấp.
  • Bề mặt nhạt hơn, từ khoảng giữa 1 bên lá theo hướng vuông góc với gân lá, xếp qua trái sao cho chạm mép gân lá, tạo thành 1 góc cạnh của hình hộp vuông.
  • Cứ thế tiếp tục làm tương tự với 3 lá dong còn lại.
Cách gấp góc vuông cho từng lá dong. Ảnh Internet

Bước 2: Tạo khuôn bánh chưng kiểu xếp góc vuông

  • Từ các lá dong đã gấp sẵn, xếp chồng lá dong thứ 2 lên lá dong thứ nhất theo hướng đối xứng và chạm mép bề mặt đáy của nhau.
  • Lá dong thứ 3 tiếp tục xếp chồng lên, theo hướng mặt đáy vừa song song với lá thứ nhất vừa song song với lá thứ 2.
  • Cuối cùng, xếp chồng lá dong thứ 4 có mặt đáy đối xứng với lá thứ 3.
  • Một phần vỏ bánh được hoàn thiện với điều kiện khuôn bánh được sắp tạo thành phân nửa hình hộp vuông.
Cách gói bánh chưng không cần khuôn bằng cách gấp lá dong. Ảnh Internet

Bước 3: Để nguyên liệu vào khuôn bánh chưng làm bằng lá dong

  • Trước tiên cho 1 lớp nếp vào, trải đầy mặt đáy.
  • Trải đậu lên mặt nếp.
  • Tiếp tục xếp vài miếng thịt lên.
  • Cuối cùng, cho lớp nếp còn lại phủ đầy lớp nhân.
Cho đậu xanh, nếp vào khuôn lá dong gói bánh chưng không cần khuôn. Ảnh Internet

Bước 4: Cách gói bánh chưng bằng lá dong xếp hình vuông

  • Để sẵn 1 sợi dây lạt ở phía mặt dưới khuôn bánh để cố định
  • Kéo vào và ép chặt 2 cạnh song song của miếng lá xếp vào nhau, 2 cạnh còn lại tạo thành 2 chóp nhọn
  • Quấn cố định sợi dây lạt có sẵn
  • Gập 2 chóp nhọn còn lại vào nhau, đều và chặt tay
  • Lấy một dây lạt ở giữa theo hướng gập vào cuối cùng, quấn chặt lại để giữ cố định cho khuôn bánh chưng không bị bong ra
  • Phần mối dây lồng vào phía dưới sợi dây lạt để giữ chặt dây
Các bước gói bánh chưng bằng lá dong và dây lạt. Ảnh Internet

Bước 5: Buộc dây vào khuôn bánh chưng

  • Quấn chặt sợi dây thứ 2 theo hướng vuông góc của sợi dây lạt đầu tiên.
  • Mối dây lồng vào sợi dây lạt.
  • Tiếp tục buộc chặt và giữ mối dưới dây lạt.
Dùng dây lạt gói bánh chưng không cần khuôn. Ảnh Internet
  • Sau khi hoàn thành các công đoạn trên, cho bánh chưng vào nồi.
  • Cho nước sôi ngập mặt bánh.
Công đoạn xếp bánh chưng vào nồi luộc. Ảnh Internet
  • Đậy nắp lại, giữ chặt nắp nồi bằng một vật nặng để bánh không bị trồi lên khỏi mặt nước.
  • Nên luộc bánh với độ lửa vừa phải, cứ 1 giờ kiểm tra lượng nước một lần. Sau khi bánh chín có thể thưởng thức ngay được rồi!

Chúc các bạn thành công!