Tại sao trẻ nhút nhát kém tự tin? Phương pháp giúp con tự tin trong cuộc sống

Khi thấy bé nhà mình nhút nhát, không dám thể hiện bản thân, hầu hết cha mẹ thường đem điều này ra so sánh với bạn cùng trang lứa của con. Tuy bạn là điều ấy với mục đích là để giúp con có thêm quyết tâm thay đổi mình nhưng thực ra nó lại có thể phản tác dụng. Vậy nên, muốn con giỏi hơn thì điều bạn cần làm là tìm ra những nguyên nhân khiến con nhút nhát và kém tự tin từ đó tìm ra phương pháp giúp con tự tin trong cuộc sống.

Tại sao trẻ nhút nhát kém tự tin?

Việc trẻ nhút nhát cũng có rất nhiều nguyên nhân. Cùng tìm hiểu những nguyên nhân chính sau:

1. Bị ảnh hưởng từ cha mẹ

Cha mẹ là tấm gương đầu tiên để trẻ “soi mình” vào trong đó. Nếu cha mẹ, có những biểu hiện tự ti, sống hướng nội, không giỏi giao tiếp… thì tự nhiên trẻ sẽ hình thành tính cách nhút nhát, giao tiếp kém.

2. Mối quan hệ gia đình

Khi không nhận được sự quan tâm đầy đủ từ gia đình, trẻ sẽ thiếu đi điểm dựa, thiếu nơi an toàn để chia sẻ những cảm xúc tiêu cực cũng như thiếu người bầu bạn để cùng vượt qua những nỗi sợ hãi, giải đáp những thắc mắc của bé.

Những đứa trẻ thiếu sự chăm sóc của gia đình giống như những ngôi nhà thiếu móng, dễ trở nên rụt rè, cảnh giác trước mọi thứ xung quanh.

3. Cha mẹ quá yêu chiều, bao bọc

Trong cuộc sống cũng như trong học tập, cha mẹ đều lo cho trẻ hoàn toàn từ A – Z … Do nhận được quá nhiều sự bao bọc trong gia đình, khiến cho trẻ không có cơ hội được tự lập. Điều này khiến trẻ hình thành tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, từ đó thiếu kinh nghiệm sống.  Trẻ trở lên nhút nhát, sợ hãi với mọi việc, không tự tin một chút nào nếu không có người lớn ở bên chỉ bảo.

4. Môi trường sống hạn hẹp, trẻ không có điều kiện tiếp xúc thường xuyên với cộng đồng

Có một thực tế là nhiều phụ huynh đã lạm dụng công nghệ thông tin vào quá trình dạy dỗ trẻ.  Làm hạn chế sự giao lưu tương tác của trẻ với thế giới bên ngoài.

Khi chỉ được nuôi dưỡng và tiếp xúc với những người trong gia đình, ít giao tiếp với bạn bè xung quanh.  Trẻ sẽ không học được cách kết bạn, đối phó với các tình huống và luôn cảm thấy sợ sệt mỗi khi được mang ra khỏi môi trường quen thuộc là ngôi nhà của bé.

5. Trẻ thường xuyên bị chê bai, chọc ghẹo hay bị kiểm trách

Đôi khi người lớn trêu ghẹo trẻ nhỏ chỉ đơn giản là đùa vui, thế nhưng thực tế việc đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ. Bị chọc ghẹo, chê bai thường xuyên sẽ khiến trẻ cho rằng bản thân mình kém cỏi, thiếu tự tin và trở nên nhút nhát.

Những trẻ hay bị khiển trách, phê bình, thậm chí mỉa mai sẽ cảm thấy như mình luôn thất bại, mặc cảm, từ đó mất đi nhiệt tình trong việc học và trong cuộc sống.

Ngược lại, những trẻ được đánh giá cao bởi mọi người, chúng sẽ tự nhiên cảm thấy vui vẻ, muốn khẳng định mình hơn, cảm thấy tự hào và tự tin hơn. Vì vậy, khi trẻ tràn đầy tự tin muốn thể hiện bản thân trước mặt cha mẹ, hãy dành cho con những lời khen, lời động viên tốt nhất.

Ví dụ như bé muốn tự rót nước mời mẹ nhưng cháu chưa đủ khéo để rót nước vào cốc mà không đổ ra ngoài. Nếu cha mẹ tâm lý thì sẽ khen con là “Con tôi đã lớn rồi, con đã biết rót nước mời mẹ rồi. Lần sau con đỡ tay phía dưới bình nước thì sẽ rót được khéo hơn không bị tràn ra ngoài con nhé”. Nhưng có thể nhiều cha mẹ ngăn cản ngay bằng những câu như “Thôi để đấy! Lại đổ tràn ra ngoài rồi thấy chưa!…”. Những lời nói không hài lòng như vậy một mặt làm trẻ không biết phải làm thế nào cho đúng. Mặt khác làm cho trẻ học được cách để tránh bị phê bình là không làm gì cả, không tham gia gì cả.

6. Trẻ “được” kỳ vọng quá nhiều so với khả năng

Hiện nay, việc cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng vào con cái đã vô tình tạo cho trẻ cũng như bản thân các bậc phụ huynh một áp lực rất lớn. Điều này dẫn đến thái độ cáu gắt, mắng mỏ, thậm chí đánh trẻ khi thấy con làm trái ý bố mẹ. Trước thái độ tiêu cực của bố mẹ, trẻ luôn phải sống trong lo lắng, sợ làm sai vì thế thiếu chủ động và nhiệt tình trong mọi hoạt động.

Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra ngại ngần trong việc thể hiện tình yêu với con trước mặt người lạ, luôn cố tình chê con mình với mục đích cho bé cảm thấy bản thân cần cố gắng. Tuy nhiên, cách làm này chưa thật đúng đắn. Đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy tự ti khi chưa bằng người khác và cha mẹ chúng dường như chưa hài lòng về chúng.

7. Trẻ sống trong một gia đình quá nghiêm khắc, thường xuyên sử dụng hình phạt nặng nề

Sử dụng đòn roi, hay các hình phạt nặng với mong muốn con ngoan, nghe lời là một quan điểm giáo dục khá lỗi thời nhưng vẫn dễ dàng bắt gặp ở nhiều gia đình. Sử dụng roi vọt chính là cách thể hiện thiếu tôn trọng trẻ – thiếu tôn trọng ý kiến của trẻ, thiếu tôn trọng cơ thể trẻ và ảnh hưởng đến lòng tự tôn của bé.

Ngay trong chính gia đình mình mà bé thiếu đi sự tôn trọng như vậy thì làm sao bé có thể bảo vệ bản thân trước những xâm hại về thể xác, bạo hành về tinh thần khi trẻ ra ngoài xã hội? Đòn roi cũng sẽ khiến trẻ lúc nào cũng lo lắng, dẫn đến rụt rè, cảnh giác với mọi thứ xung quanh. Một đứa trẻ sống trong sợ hãi thì làm sao có thể tự tin?

8. Trẻ thường xuyên chứng kiến những mâu thuẫn của bố mẹ

Bố mẹ cãi nhau, đánh nhau trước mặt trẻ là một điều cực kỳ tồi tệ. Đó sẽ là một vết thương khó liền trong tâm trí bé. Điều này không chỉ khiến trẻ có xu hướng sử dụng bạo lực với bạn bè khi có mâu thuẫn xảy ra mà còn có thể khiến trẻ luôn trong tâm trạng lo lắng, buồn bã vì chứng kiến những người thân yêu nhất của mình lại gây tổn thương cho nhau.

Gia đình luôn là nền tảng cho mọi sự phát triển của trẻ nhỏ. Khi gia đình không hòa thuận, thường xuyên xảy ra chiến tranh, thì trẻ cũng không có được sự tự tin, vui vẻ để hòa nhập vào xã hội.

9. Yếu tố di truyền

Ngoài những yếu tố kể trên thì yếu tố di truyền cũng góp phần quyết định đến việc hình thành tính nhút nhát của trẻ. Cấu trúc gen của trẻ có những yếu tố gây ra như tính nhút nhát được thừa hưởng từ bố hoặc từ mẹ.

Nhìn chung có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành tính nhút nhát, rụt rè ở trẻ. Vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu rõ các nguyên nhân để có thể khắc phục và tìm cách giúp đỡ con kịp thời.

Ba mẹ cũng có thể tạo điều kiện để con được giao lưu kết bạn, rèn luyện các tình huống và tăng cường khả năng giao tiếp tốt sẽ giúp con tự tin và mạnh dạn chủ động hơn….

Những dấu hiệu giúp bạn nhận ra trẻ đang kém tự tin

Dưới đây là những dấu hiệu cho thấy trẻ đang rất tự ti, bạn có thể tham khảo và đối chiếu với biểu hiện của bé nhà mình nhé:

  • Bé tránh tham gia những bài tập thử thách, thậm chí bé không hề cố gắng để vượt qua thử thách. Biểu hiện này có thể do bé sợ thất bại hoặc bé có cảm giác không được ai giúp đỡ;
  • Bé chịu thua sớm sau khi bắt đầu trò chơi hoặc bài tập;
  • Bé chơi gian lận hoặc nói dối khi bé cảm thấy mình sắp thua;
  • Bé thoái lui, nhõng nhẽo hoặc hành động ngốc nghếch. Những biểu hiện này làm bé bị trêu chọc và bị bạn bè gọi bằng những cái tên ngốc nghếch khiến bé sẽ cảm thấy ngượng, thậm chí là tổn thương;
  • Bé thích điều khiển người khác, hách dịch hoặc khó che giấu những cảm xúc bất lực, thất vọng;
  • Bé tự bào chữa hoặc hạ thấp tầm quan trọng của sự việc, thích đổ lỗi cho người khác;
  • Điểm học của bé sụt giảm hoặc bé mất cảm giác thích thú trong những hoạt động hàng ngày;
  • Bé tự rút mình ra khỏi xã hội, không (hoặc ít) tiếp xúc với bạn bè;
  • Bé thường thay đổi cảm xúc như buồn, khóc, giận hờn, bộc phát cơn giận, thất vọng, im lặng;
  • Bé tự chê trách bản thân, ví dụ như: “Con không bao giờ làm gì tốt được!”, “Không ai thích con cả!”, “Con xấu xí quá!”, “Tất cả đều do con!” …;
  • Bé khó chấp nhận những lời khen cũng như những lời phê bình từ người khác;
  • Bé quan trọng hóa những ý kiến cùa người khác về bé;
  • Bé bị ảnh hưởng mạnh bởi những tác động tiêu cực, bé có thái độ và biểu hiện không quan tâm đến trường học, không/tôn trọng người khác;
  • Bé sẽ luôn giúp đỡ hoặc không bao giờ giúp đỡ bạn ở nhà.

Phương pháp giúp con tự tin trong cuộc sống

Để giúp trẻ, ba mẹ cần xem xét lại việc chăm sóc và nuôi dạy con của mình. Không đem sự căng thẳng trong cơ quan, nơi làm việc hay gia đình vào trong những lần giao tiếp với trẻ. Tránh mỉa mai, chỉ trích những việc trẻ làm chưa tốt. Hay so sánh trẻ với những những anh chị, bạn bè cùng chơi. Ngoài ra, ba mẹ cũng hãy tham khảo những cách thức dưới đây

1. Luôn cố gắng nhận ra và đáp ứng những nhu cầu của con

Những em bé nhút nhát nhưng được nuôi dưỡng một cách cẩn thận vẫn hoàn toàn có khả năng trở thành những nhà lãnh đạo sau này, trong khi những đứa trẻ chỉ nhận được sự chăm sóc bình thường có thể vẫn sẽ nhút nhát và sợ hãi trong suốt cuộc sống về sau. Hãy giúp con bình tĩnh và học cách điều khiển hành vi của bản thân. Điều này sẽ khiến sự nhạy cảm của bé từ điểm bất lợi trở thành điểm mạnh, bởi các bé sẽ tinh tế hơn trước những nhu cầu của người khác và tốt hơn trong khả năng đàm phán.

2. Hãy thấu hiểu sự nhút nhát của con và tránh làm cho bé cảm thấy xấu hổ vì điều đó

Hãy thừa nhận những cảm xúc các bé, đừng phán xét một cách tiêu cực bởi điều đó sẽ càng làm bé cảm thấy bất an và nhút nhát hơn, thay vào đó hãy giúp các bé cảm thấy tốt hơn về bản thân. Nhờ những điều này mà khi lớn lên bé sẽ có khả năng đồng cảm với người khác, sẽ giúp bé phát triển kỹ năng xã hội và liên kết tốt hơn với mọi người.

3. Hãy dạy con bằng chính cách bạn cư xử với người khác

Trẻ luôn học hỏi thông qua việc quan sát người lớn. Hãy cho con thấy bạn thân thiện với những người khác như thế nào, bạn giúp đỡ mọi người xung quanh ra sao, và cả cách mà bạn luôn giữ thái độ hòa nhã trong mọi tình huống giao tiếp xã hội.

4. Hãy dạy con những kỹ năng xã hội cơ bản

Trẻ cần được dạy cách giao lưu bằng mắt, bắt tay, mỉm cười và trò chuyện một cách đúng mực. Hãy nhập vai và dạy con cách tham gia một trò chơi, giới thiệu con với những đứa trẻ khác trong bữa tiệc, hoặc sắp xếp một buổi đi chơi. Những trẻ có thể thành công trong việc gia nhập vào nhóm của những đứa trẻ khác sẽ có khả năng quan sát tốt, biết cách hòa nhập với mọi người thay vì trở nên lạc lõng.

5. Dạy con chọn bạn mà chơi, chọn nơi mà đến

Bạn có thể tham khảo những cuốn sách dạy trẻ em cách kết bạn để có thêm nhiều gợi ý hơn.

6. Chỉ cho con cách đối phó với những lời trêu chọc và bắt nạt, khuyến khích con tự đứng lên vì chính mình

Cũng có rất nhiều quyển sách có thể giúp bạn làm được điều này.

7. Đừng coi con bạn mặc nhiên là một đứa trẻ nhút nhát.

Thay vì thế, hãy thấu hiểu cảm giác của con và chỉ cho con cách vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân. Ví dụ như: “Đôi khi con cần thời gian để trở nên thoải mái trong những hoàn cảnh mới. Con có nhớ bữa tiệc mình tham gia tuần trước không? Ban đầu con nắm tay mẹ suốt, nhưng đến cuối cùng con đã chơi đùa rất vui vẻ với các bạn đó thôi.”

8. Dạy cho con những cách thức hiệu quả để đối phó với sự sợ hãi

Thuyết phục con hiểu rằng sự nhút nhát là điều bình thường với hầu hết mọi người, và đến cuối cùng con vẫn sẽ ổn thôi. Nhắc nhở con đừng chỉ tập trung vào bản thân mình, mà hãy để ý đến những người khác nữa. Chỉ cho con cách quan tâm đến mọi người, đặt câu hỏi cho những người khác, và lắng nghe câu trả lời từ họ.

9. Cho con bạn cơ hội để tương tác với những bé khác hàng ngày

Mặc dù những đứa trẻ nhút nhát cần nhiều thời gian yên tĩnh, nhưng các bé cũng rất cần những cơ hội để thực hành kỹ năng xã hội. Tuy nhiên hãy nhớ rằng đồng cảm với con không có nghĩa là bảo vệ thái quá. Hãy khen ngợi mỗi khi con có thể tự làm điều gì đó một mình cho dù đó có thể chỉ là những điều nhỏ nhặt.

10. Dạy con rằng một người bạn tốt là vô cùng quý giá

Một số phụ huynh lo lắng rằng con họ không phù hợp với cuộc sống của những bữa tiệc. Nhưng điều quan trọng nhất là con bạn cảm thấy được sự kết nối, như là một người bạn mà con có thể chuyện trò, hoặc một người mà con có thể chơi cùng vào mỗi giờ giải lao. Không cần con phải có quá nhiều bạn, chỉ một số người bạn thật sự tốt là đủ.

11. Dạy con phải đề phòng những người lạ

Ngược lại, hãy cho con biết rằng con luôn có bố mẹ, hoặc thầy cô giáo ở bên cạnh, vì thế con sẽ không cần phải sợ những người lạ nữa. Một khi con đã đủ lớn để có thể ra đường một mình, hãy trao đổi với con cách để tự bảo vệ bản thân mình.

12. Hãy giúp con thể hiện ra ngoài

Khi trẻ trải nghiệm một điều gì đó đáng sợ và không cảm thấy an toàn, ban đầu những cảm xúc này thường bị bé tự dồn nén lại. Tuy nhiên về mặt tự nhiên cơ thể của con người lại luôn có thể cảm nhận được những sự sợ hãi này và khiến cho chúng luôn trực chờ được thoát ra ngoài, chính vì thế lúc nào bé cũng cảm thấy hồi hộp. Nếu như con bạn gặp phải tình trạng này, hãy cho bé cơ hội để chơi những trò chơi có tính kích thích một chút, như là chơi tàu lượn trên không, tất nhiên là phải dưới sự bảo vệ của bạn. Và khi bé đã cảm thấy đủ an toàn để bộc lộ sự sợ hãi của mình ra thành nước mắt, hãy đón nhận chúng. Điều này về lâu dài sẽ giúp bé có thể đối phó một cách tự nhiên với sự nhút nhát của mình và trở nên bạo dạn, linh hoạt hơn.

13. Chỉ cho con cách tự chăm sóc bản thân

Thông thường, những trẻ chỉ hoạt ngôn lanh lợi ở nhà, còn khi ra ngoài thì trẻ nhút nhát, rụt rè. Là do cháu cảm thấy không an toàn và tự tin khi phải quyết định hoặc hành động một mình. Vì vậy, ba mẹ phải cho con tập làm mọi việc chăm sóc cho chính bản thân. Phát triển cho trẻ tinh thần tự lập. Thậm chí, bạn có thể nhờ cháu cả một số công việc nhà đơn giản. Khi cháu làm tốt, cần khen ngợi và khích lệ con thật nhiều.

14. Không ép trẻ phải giao tiếp khi con không thoải mái

Khi con ra ngoài chơi hoặc có người lạ đến nhà, bạn đừng ép con phải chào hỏi hay nói chuyện vui vẻ. Hãy để con tự nhiên. Khi con quan sát kĩ mà thấy khách không có biểu hiện hại bé thì bé sẽ tự nhiên lại gần và tiếp xúc thôi. Đó là cách dạy con ngoan hiệu quả. Việc thúc ép khiến bé càng thêm lo lắng và sợ hãi.

15. Chủ động gần gũi, giúp trẻ chia sẻ và cởi mở

Cha mẹ phải chủ động gần gũi con và giúp trẻ cởi mở chia sẻ những khó khăn bằng lời. Cha mẹ nên tìm hiểu sâu hơn những cảm xúc hoặc suy nghĩ thực đằng sau lời nói. Ví dụ cha mẹ hỏi thêm vì sao con sợ người khác nhìn, tại sao con lại cảm thấy xấu hổ. Có thể các em có niềm tin là “con chẳng thể nào làm một cái gì đúng cả”. Hoặc “mọi người sẽ cười khi con làm điều gì đó sai nên con mới tránh và xấu hổ”.

Có thể giải thích cho con rằng sai sót là chuyện bình thường. Cha mẹ đôi lúc cũng sai nhưng không ai cười cha mẹ cả. Sau đó hỏi về những điểm mạnh của trẻ để các em cảm thấy tự tin hơn. Ví dụ như cha mẹ có thể nói là “nhưng bố mẹ thấy ở nhà con kể chuyện rất hay. Nên bố mẹ tin rằng con có thể kể những câu chuyện đó cho các bạn“… Đó là cách dạy trẻ tư duy kiểu Nhật, giúp trẻ tư duy tích cực. Bằng cách thức đó, cha mẹ sẽ giúp con có những niềm tin mới, tích cực hơn về bản thân. Từ đó con hủ động tích cực tham gia vào các hoạt động với bạn bè.

16. Cha mẹ phải là tấm gương cho con noi theo

Phần lớn trẻ con học tập từ những lời nói, hành động của cha mẹ, người lớn. Với trẻ thế giới rất mới lạ hoàn toàn và những gì chúng nghe được, thấy được là sẽ luôn bắt chước theo những hành vi của người lớn dù tốt hay xấu (bởi trẻ con chưa biết phân biệt đâu là đúng đâu là sai hay tốt xấu). Vậy nên nếu con trẻ thấy cha mẹ làm những hành động tiêu cực thì chúng sẽ làm theo và ngược lại con trẻ làm những điều tốt nếu cha mẹ làm điều tốt.

Qua bài viết này! Các bậc cha mẹ hãy giúp con loại bỏ sự nhút nhát và xây dựng sự tự tin cho con nhé, điều đó sẽ giúp chúng gặt hái được rất nhiều thành công trong tương lai. Mong rằng những điều trên sẽ giúp được các bậc cha mẹ thành công trong việc hình thành sự tự tin cho con trẻ.